CỰU CHIẾN BINH NẶNG LÒNG VỚI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG
- content:
Trưởng thành trong giai đoạn cả nước chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên ông Nguyễn Anh Tuấn đã nhanh chóng hòa mình vào khí thế sục sôi đó.
Năm 1974, chàng thanh niên Nguyễn Anh Tuấn quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 269, binh đoàn Trường Sơn, Đoàn 559 và tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu mở đường bắc cầu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên - Lào cho đến năm 1990.
Cho đến nay những ký ức xưa luôn hiện lên trong tâm chí người CCB ấy. Những trận chiến giằng co không khoan nhượng giữa quân đội ta với kẻ thù, nơi máu xương của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào cả nước ngã xuống luôn là nguồn cảm hứng vô tận để cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Anh Tuấn say sưa trao truyền cho thế hệ trẻ hôm nay.
Là người từng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu cống hiến tuổi xuân cho cuộc chiến, người lính Nguyễn Anh Tuấn năm xưa - CCB hôm nay càng hiểu rõ hơn trách nhiệm và tình cảm của mình đối đất nước. Vì thế, sau khi nghỉ chế độ và trở về địa phương sinh sống, ông đã sớm tham gia “Tổ báo cáo viên CCB” và nhận nhiệm vụ chủ nhiệm câu lạc bộ B93 (quản lý người sau cai nghiện) để cùng với những nhân chứng sống khác chia sẻ niềm tự hào về đất nước mình, dân tộc mình đến thế hệ trẻ. Qua đó, khơi dậy trong các em lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong cuộc sống, trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Tuấn chia sẻ: “Công nghệ thông tin, truyền thông ngày nay phát triển rất nhanh, tác động mạnh đến đời sống của giới trẻ. Cái hay nhiều mà cái không hay cũng lắm, trong khi phần lớn các cháu chưa đủ kiến thức, bản lĩnh để nhận biết và phân biệt. Vì thế, giáo dục truyền thống giữ vai trò rất quan trọng. Điều này càng thêm ý nghĩa khi báo cáo viên là những người đã từng vào sinh ra tử trực tiếp truyền đạt nội dung, giúp các cháu cảm nhận rõ hơn về lịch sử qua những câu chuyện người thật, việc thật rất ấn tượng”.
26 năm làm báo cáo viên , Chủ nhiệm CLB B93 của Hội CCB Phường Nguyễn Trung Trực và báo cáo viên của Hội CCB Quận hiện nay, hành trình “tiếp lửa” truyền thống của CCB Nguyễn Anh Tuấn chưa bao giờ đứt đoạn. Không chỉ làm báo cáo viên tại các cụm phường, ông Tuấn còn chủ động phối hợp với Đoàn Thanh Niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ban Giám hiệu các nhà trường trên địa bàn để tổ chức nhiều buổi nói chuyện truyền thống cho học sinh và các cháu thiếu niên nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12)... Trung bình mỗi năm, ông tham gia từ 4 đến 8 buổi, mỗi buổi có hàng nghìn giáo viên, học sinh, đoàn viên, thanh niên tham dự. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế, qua từng câu chuyện cụ thể, CCB Nguyễn Anh Tuấn đã miệt mài bồi đắp lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước.
Điều khiến CCB Nguyễn anh Tuấn trăn trở là làm thế nào để có được cách truyền tải phù hợp, sinh động, tránh sáo mòn, đơn điệu để thu hút được nhiều người nghe. Để làm được điều này, ngoài đọc tài liệu do ban tuyên giáo quận Ba Đình và ban tuyên giáo thành phố Hà nội và Hội CCB quận cung cấp, ông thường đến các thư viện để sưu tầm, nghiên cứu, đồng thời bỏ tiền mua rất nhiều đầu sách các loại về trau dồi thêm kiến thức. Không những thế, ông còn tìm gặp nhân vật từng tham gia các cuộc chiến ở những giai đoạn khác nhau để có cái nhìn tổng thể về lịch sử dân tộc. Tùy vào từng đối tượng và từng thời điểm tổ chức mà ông sử dụng cách nói chuyện, kể chuyện phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, không tham nhiều nội dung dễ dẫn đến nặng nề, nhàm chán. Ví như đối với đoàn viên, thanh niên thì cung cấp số liệu thành tích, chiến công từng trận đánh, từng chiến dịch, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Đối với các cháu thiếu nhi thì kể một vài câu chuyện về hành động dũng cảm của anh hùng tiêu biểu hay một trận đánh xuất sắc để lại nhiều ấn tượng. CCB Nguyễn anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Có nhiều trường rất đông học sinh, nhưng khi tôi kể chuyện, các cháu rất tập trung và yên lặng, nhiều cháu còn đem vở để ghi chép lại và đưa ra những câu hỏi đối với báo cáo viên để hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Đó là điều rất tuyệt vời đối với báo cáo viên chúng tôi”.
Đi qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, CCB Nguyễn Anh Tuấn đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Ngoài làm báo cáo viên, ông dành thời gian xây dựng mô hình “Nhà sạch vườn đẹp”, “ Trao nguồn chí thức, hướng tới tương lai”để mỗi chiều hằng ngày, các CCB và người cao tuổi, các cháu thiêu nhi trong phường lại tập trung về “điểm đọc sách báo” nhà sinh hoat cộng đồng 64 đường yên phụ cùng đọc sách, đọc báo, trao đổi thông tin và nghe ông kể chuyện . CCB Tuấn chia sẻ: “Trách nhiệm của người lính khiến tôi chưa thể dừng lại. Dù tuổi đã cao nhưng tai còn thông, mắt còn nhìn rõ, chân còn đi được thì tôi vẫn tiếp tục hành trình “thắp lửa” truyền thống, để lịch sử dân tộc không bao giờ bị lãng quên”.
Bùi Huy Sơn